Ưu đãi thuế khi chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần
Bài viết tóm lược các chính sách ưu đãi về thuế, phí đối với đơn vị sự nghiệp công lập khi chuyển đổi thành công ty cổ phần; luận bàn về việc có cần thiết phải có chính sách ưu đãi thuế riêng để thúc đẩy chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công thành công ty cổ phần hay không?
Cùng với việc chỉ ra những vướng mắc về ưu đãi thuế đối với đơn vị sự nghiệp công lập khi chuyển thành công ty cổ phần, tác giả bài viết đề xuất một số khuyến nghị nhằm hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế đối với công ty cổ phần chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp công lập.
Chính sách ưu đãi thuế, phí đối với đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi thành công ty cổ phần
Theo Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) thành công ty cổ phần (CTCP), ĐVSNCL chuyển đổi thành CTCP được hưởng chính sách ưu đãi về thuế, phí như sau:
Một là, được miễn lệ phí trước bạ đối với việc chuyển những tài sản thuộc quyền quản lý, sử dụng của ĐVSNCL thành sở hữu của CTCP.
Hai là, được miễn lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (DN) khi chuyển từ ĐVSNCL thành CTCP.
Ba là, các ĐVSNCL hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường khi chuyển sang CTCP vẫn được tiếp tục áp dụng các ưu đãi về hoạt động khoa học, công nghệ, chính sách khuyến khích xã hội hóa như đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực này trước khi chuyển đổi.
Như vậy, có thể thấy, ưu đãi riêng có đối với ĐVSNCL chuyển thành CTCP chỉ là miễn lệ phí trước bạ và lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký DN. Những ưu đãi thuế khác (nhóm thứ 3 nêu trên) thực hiện như các DN khác trong nền kinh tế. Theo các luật thuế hiện hành, nhóm ưu đãi thứ 3 có thể tóm lược như sau:
Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp
Phần thu nhập không chia của các cơ sở xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, y tế và lĩnh vực xã hội hóa khác (bao gồm cả văn phòng giám định tư pháp), để lại để đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật chuyên ngành về giáo dục – đào tạo, y tế và lĩnh vực xã hội hóa khác được miễn thuế thu nhập DN (TNDN).
Áp dụng thuế suất thuế TNDN ưu đãi 10% trong suốt thời gian hoạt động đối với: Phần thu nhập của DN từ hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường; phần thu nhập của hoạt động xuất bản của nhà xuất bản theo quy định của Luật Xuất bản; phần thu nhập từ hoạt động báo in (kể cả quảng cáo trên báo in) của cơ quan báo chí theo quy định của Luật Báo chí.
Áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% trong thời hạn 15 năm đối với: Thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc các lĩnh vực như: Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật Công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo DN công nghệ cao; đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao; đầu tư xây dựng – kinh doanh cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo DN công nghệ cao; thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, bao gồm: Sản xuất thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường, thiết bị quan trắc và phân tích môi trường; xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường; thu gom, xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn; tái chế, tái sử dụng chất thải.
Miễn thuế TNDN 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với: Thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực xã hội hóa thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.
Ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
– Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu trong nước chưa sản xuất được của dự án đầu tư để sản xuất, lắp ráp trang thiết bị y tế được ưu tiên nghiên cứu, chế tạo được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 05 năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất.
– Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để bảo vệ môi trường được miễn thuế, bao gồm: (a) Máy móc, thiết bị, phương tiện, dụng cụ, vật tư chuyên dùng nhập khẩu trong nước chưa sản xuất được để thu gom, vận chuyển, xử lý, chế biến nước thải, rác thải, khí thải, quan trắc và phân tích môi trường, sản xuất năng lượng tái tạo; xử lý ô nhiễm môi trường, ứng phó, xử lý sự cố môi trường; (b) Sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải.
– Hàng hóa nhập khẩu chuyên dùng trong nước chưa sản xuất được phục vụ trực tiếp cho giáo dục được miễn thuế nhập khẩu.
– Hàng hóa nhập khẩu là máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư chuyên dùng trong nước chưa sản xuất được, tài liệu, sách báo khoa học chuyên dùng sử dụng trực tiếp cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ.
Ưu đãi về thuế giá trị gia tăng
Một số hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực xã hội hóa thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, đó là: (a) Dịch vụ y tế, dịch vụ thú y, bao gồm dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh cho người và vật nuôi, dịch vụ sinh đẻ có kế hoạch, dịch vụ điều dưỡng sức khoẻ, phục hồi chức năng cho người bệnh, vận chuyển người bệnh, dịch vụ cho thuê phòng bệnh, giường bệnh của các cơ sở y tế; xét nghiệm, chiếu, chụp, máu và chế phẩm máu dùng cho người bệnh; (b) Dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật bao gồm cả dạy ngoại ngữ, tin học; dạy múa, hát, hội họa, nhạc, kịch, xiếc, thể dục, thể thao; nuôi dạy trẻ và dạy các nghề khác nhằm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hoá, kiến thức chuyên môn nghề nghiệp; (c) Xuất bản, nhập khẩu, phát hành báo, tạp chí, bản tin chuyên ngành, sách chính trị, sách giáo khoa, giáo trình, sách văn bản pháp luật, sách khoa học-kỹ thuật, sách in bằng chữ dân tộc thiểu số và tranh, ảnh, áp phích tuyên truyền cổ động, kể cả dưới dạng băng hoặc đĩa ghi tiếng, ghi hình, dữ liệu điện tử; tiền, in tiền.
Máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư loại trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ; chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Một số vướng mắc
Vướng mắc về ưu đãi thuế nằm ở cách hiểu khác nhau về kế thừa ưu đãi thuế TNDN theo Quyết định 22/2015/QĐ-TTg của Chính phủ. Như đã nêu, ĐVSNCL hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường khi chuyển sang CTCP vẫn được tiếp tục áp dụng các ưu đãi về hoạt động khoa học, công nghệ, chính sách khuyến khích xã hội hóa như đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực này trước khi chuyển đổi.
Căn cứ theo văn bản pháp luật về thuế TNDN hiện hành, quy định này có thể được hiểu theo 2 cách khác nhau:
Cách hiểu thứ nhất: Khi chuyển từ ĐVSNCL thành CTCP mà đáp ứng đầy đủ tiêu chí xã hội hóa đối thì CTCP thành lập từ ĐVSNCL được hưởng ưu đãi thuế TNDN như các DN hoạt động trong lĩnh vực này. Với cách hiểu này thì sau khi cổ phần hóa, nếu đáp ứng đầy đủ tiêu chí xã hội hóa, CTCP được hưởng ưu đãi thuế bất kể trước đó ĐVSNCL có được hưởng ưu đãi thuế hay không.
Cách hiểu thứ hai: CTCP thành lập từ ĐVSNCL tiếp tục được hưởng ưu đãi thuế TNDN nếu như trước đó ĐVSNCL đã được hưởng ưu đãi thuế đối với lĩnh vực xã hội hóa theo quy định pháp luật. Theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành thuế TNDN, thì ĐVSNCL thuộc đối tượng hưởng ưu đãi thuế TNDN đối với lĩnh vực xã hội hóa trong trường hợp sau: “Các cơ sở sự nghiệp công lập thực hiện góp vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật thành lập các cơ sở hạch toán độc lập hoặc DN hoạt động trong các lĩnh vực xã hội hóa theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Theo cách hiểu thứ 2 thì chỉ trong trường hợp trước khi chuyển đổi thành CTCP các ĐVSNCL nêu trên mới tiếp tục được hưởng ưu đãi thuế TNDN. Nếu trước đó, ĐVSNCL không thuộc đối tượng hưởng ưu đãi thuế TNDN như trên thì CTCP thành lập từ ĐVSNCL không được hưởng ưu đãi này.
Có cần ưu đãi thuế riêng?
Hiện nay, cả nước có khoảng 58.000 ĐVSNCL đang hoạt động. Theo Bộ Tài chính, đến hết năm 2018, số lượng các ĐVSNCL chuyển thành CTCP chỉ được trên 50 đơn vị, chưa đạt 0,09% số ĐVSNCL đang hoạt động (Hồng Vân, 2019). Như vậy, sau hơn 3 năm thực hiện chủ trương chuyển ĐVSNCL thành CTCP, tỷ lệ chuyển đổi còn rất ít. Tuy vậy, qua tìm hiểu thực tế cho thấy, những nguyên nhân chủ yếu của dẫn đến sự chậm trễ này không phải là vấn đề ưu đãi về thuế mà là những vấn đề khác, mặc dù, ưu đãi thuế cũng có vướng mắc như đã đề cập.
Các vướng mắc chủ yếu không phải vấn đề ưu đãi thuế đã được đề cập khá nhiều, đó là: Chưa có quy định chặt chẽ về nghĩa vụ tiếp tục cung cấp dịch vụ công của DN chuyển đổi từ ĐVSNCL, chế tài nếu ĐVSNCL không tiếp tục cung cấp dịch vụ công hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất; chưa quy định cơ chế giám sát, tổng hợp báo cáo về tình hình cung cấp dịch vụ công của các DN này; chưa quy định hết đối tượng các ĐVSNCL có khả năng chuyển đổi thành CTCP như các ĐVSNCL thuộc các cơ quan chuyên môn của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh. Bên cạnh đó, cũng chưa có hướng dẫn xử lý một số nội dung tài chính đặc thù của ĐVSNCL; chưa có quy định về bán toàn bộ phần vốn nhà nước hiện có tại ĐVSNCL hoặc kết hợp vừa bán toàn bộ vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ (Hồng Vân, 2019).
Qua phân tích trên cho thấy, có thể thấy không cần có thêm ưu đãi thuế để thúc đẩy chuyển đổi ĐVSNCL thành CTCP vì dù có vướng mắc, song ưu đãi thuế không phải là nguyên nhân chủ yếu làm chậm tiến độ cổ phần hóa ĐVSNCL. Thêm vào đó, việc bổ sung thêm ưu đãi cho CTCP chuyển đổi từ ĐVSNCL sẽ làm phức tạp thêm các ưu đãi thuế TNDN vốn đã rất rộng, phức tạp và đang cần được nghiên cứu sửa đổi theo hướng đơn giản hóa. Điều quan trọng hơn, nếu bổ sung thêm ưu đãi thuế riêng cho đối tượng cổ phần hóa trong trường hợp này sẽ dẫn đến ưu đãi thừa, tức là, không cần thiết.
Khuyến nghị hoàn thiện chính sách
Để tháo gỡ vướng mắc về cách hiểu ưu đãi thuế đối với CTCP chuyển đổi từ ĐVSNCL, cần sửa đổi quy định về ưu đãi thuế để đảm bảo cách hiểu nhất quán. Theo đó, CTCP được chuyển đổi từ ĐVSNCL được hưởng ưu đãi thuế như những DN hoạt động trong lĩnh vực xã hội hóa. Cụ thể là, cần diễn đạt lại quy định về ưu đãi thuế với đối tượng này như sau: “CTCP được chuyển đổi từ ĐVSNCL hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường được áp dụng các ưu đãi về hoạt động khoa học, công nghệ, chính sách khuyến khích xã hội hóa như đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực này và tiếp tục được hưởng ưu đãi thuế đã được hưởng trước khi chuyển từ ĐVSNCL thành CTCP”.
Tài liệu tham khảo:
Chính phủ, Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp;
Thủ tướng Chính phủ (2015), Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22/6/2015 về việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần;
Bộ Tài chính, Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp;
Hồng Vân (2019), “Cần cú hích để thúc đẩy cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập”, haiquanonline.com.vn, truy cập ngày 5/9/2019;
Nguyễn Anh Việt (2019), “Thúc đẩy chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần”, Báo Quân đội nhân dân, ngày 4/10/2019.