Thay đổi mô hình quản trị công ty, ngại thử… “giày” mới

“Mỗi một mô hình đều có những ưu điểm và hạn chế, nên khó đánh giá mô hình nào tốt hơn. Tuy nhiên, qua cân nhắc, Công ty chưa muốn thay đổi mô hình quản trị, mà vẫn giữ nguyên như cũ là có BKS như lâu nay…”, phó chủ tịch HĐQT một công ty đang niêm yết nói và chia sẻ những quan ngại khiến Công ty chưa dám “làm mới” mô hình quản trị.
Theo đó, lâu nay BKS của Công ty đều do ĐHCĐ hàng năm bầu, nay nếu HĐQT đề xuất đại hội không bầu BKS nữa để áp dụng mô hình quản trị mới là có thành viên HĐQT độc lập và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc HĐQT, thì rất dễ khiến cổ đông đặt dấu hỏi phải chăng HĐQT đang thu hẹp quyền của cổ đông, đồng nghĩa tăng quyền cho HĐQT, ông chủ doanh nghiệp? Mối ngờ này ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của một công ty đại chúng đang niêm yết.
Mặt khác, tìm nhân sự để giới thiệu ĐHCĐ bầu làm thành viên HĐQT độc lập cũng là chuyện khó, nên doanh nghiệp không mặn mà với mô hình quản trị công ty mới. Tuy nói là độc lập, nhưng trong nhiều trường hợp vẫn là “người quen” của những người sở hữu cổ phần lớn tại doanh nghiệp để đảm bảo họ nói người này phải… “nghe”, đảm bảo quyền quyết định, tránh rủi ro cho lượng vốn lớn đầu tư vào công ty. Không ông chủ doanh nghiệp nào “dại” gì giới thiệu nhân sự làm thành viên HĐQT độc lập để “cãi” lại mình. Chính bởi vì còn nhiều nghi ngại về tính khả thi, hiệu quả của mô hình quản trị mới nên doanh nghiệp chưa mặn mà áp dụng.
Từ góc độ của nhà tổ chức vận hành TTCK, ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội (HNX) cho biết, việc triển khai chương trình quản trị công ty năm 2016 của HNX đang gặp khó do liên quan đến quy định hai mô hình quản trị tại Luật Doanh nghiệp.
“Hai mô hình quản trị đều phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, việc hướng dẫn các doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng nên áp dụng mô hình nào, cách thức triển khai ra sao, đang là khó khăn của HNX…”, ông Trung nói và cho biết một cái khó nữa của Sở là hiện các doanh nghiệp hỏi HNX rất nhiều về cách thức tổ chức ĐHCĐ theo quy định mới của Luật Doanh nghiệp, nhưng Sở chưa biết giải đáp sao cho chuẩn. Trao quyền chủ động cho doanh nghiệp lựa chọn mô hình quản trị là tốt, nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đang chờ hướng dẫn từ phía các cơ quan có thẩm quyền để có cơ sở thực hiện chính xác. Doanh nghiệp lo ngại nếu áp dụng quy định pháp lý sai thì không biết rủi ro sẽ ra sao.
“Trên cơ sở tập hợp kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp về những băn khoăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng Luật Doanh nghiệp, chúng tôi sẽ gửi lên Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để có câu trả lời rõ ràng, làm cơ sở cho doanh nghiệp áp dụng”, ông Trung nói.
Cũng theo đại diện HNX, tuy hiện nay số lượng doanh nghiệp lên sàn chứng khoán rất đông, luật cho phép áp dụng nhiều mô hình quản trị công ty, nhưng trên thực tế, mô hình quản trị tốt nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa hình thành. Thực tế này khiến HNX gặp khó trong thuyết phục doanh nghiệp thay đổi mô hình quản trị công ty theo chuẩn mực và thông lệ tốt trên thế giới. Một số ý kiến cho rằng, mô hình một người (ông chủ) quyết mọi việc dường như có hiệu quả hơn một mô hình dân chủ do tập thể quyết định. Đây là khó khăn muôn thuở tại các công ty ở châu Á, bởi mô hình gia đình trị phổ biến tại nhiều doanh nghiệp.
“Với Việt Nam, tôi nghĩ cần phải chờ thêm một thời gian nữa, khi mà các chương trình vinh danh doanh nghiệp áp dụng mô hình quản trị công ty tốt, thực tế mô hình này góp phần cải thiện hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cũng như có tác động gia tăng tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, từ đó tác động tích cực lên giá cổ phiếu, thu hút sự quan tâm của đông đảo NĐT trong và ngoài nước. Điều này sẽ tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp, trong đó có cả các ông chủ quan tâm đến đổi mới mô hình quản trị theo thông lệ tốt trên thế giới…”, ông Trung nói.
Nhiều ‘giày’ cho doanh nghiệp dễ chọn
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC)
Hai mô hình quản trị công ty trong Luật Doanh nghiệp, khó có thể nói mô hình nào ưu việt hơn mô hình nào. Nhà làm luật đã tạo ra nhiều “giày” cho doanh nghiệp thử vừa loại nào thì sử dụng, thay vì bắt họ phải “gọt chân” cho vừa giày. Với tư duy mới này, rõ ràng tạo điều kiện cho những người thành lập doanh nghiệp căn cứ vào thực tiễn để từ đó lựa chọn mô hình quản trị công ty sao cho phù hợp với họ nhất.
Có rất nhiều yếu tố để người thành lập doanh nghiệp xem xét trước khi chọn mô hình quản trị nào cho tối ưu, tiết kiệm chi phí như: số lượng, tính chuyên nghiệp của thành viên góp vốn; mức độ tin cậy lẫn nhau giữa các thành viên tham gia góp vốn; tính chất hoạt động của doanh nghiệp có đa ngành nghề không…
Mô hình nào tối ưu tùy thuộc vào đặc thù hoạt động của doanh nghiệp
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
Mỗi mô hình quản trị công ty có những ưu, nhược điểm của riêng nó. Với mô hình không có BKS, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong tìm kiếm nhân sự làm thành viên HĐQT độc lập. Tuy nhiên, đây là mô hình phổ biến ở Anh, Mỹ. Do đó nếu các DN tổ chức hoạt động theo mô hình này mà có quan hệ làm ăn với các doanh nghiệp ở hai quốc gia kể trên, thì dễ gần gũi với các đối tác, bạn hàng hơn.
Việc Luật Doanh nghiệp mở ra cơ chế cho phép công ty cổ phần áp dụng mô hình quản trị không có BKS, thay vào đó là có thành viên HĐQT độc lập, theo kinh nghiệm quốc tế sẽ giúp tách bạch ngày càng rõ hơn giữa sở hữu và quản trị. Qua đó khắc phục hạn chế của mô hình ông chủ quyết tất, cũng như tình trạng BKS ở không ít doanh nghiệp còn hoạt động hình thức, không hiệu quả.
Ý tứ của nhà làm luật là tạo ra sự linh hoạt về pháp lý để trên cơ sở thực tiễn hoạt động của mình, cũng như tùy sở thích, ý muốn chủ quan, mà doanh nghiệp tự quyết định chọn mô hình quản trị nào cho phù hợp. Thậm chí kinh nghiệm ở nhiều nước cho thấy, pháp luật không quy định cứng các mô hình quản trị, mà để cho doanh nghiệp tự sáng tạo sao cho phù hợp nhất với họ, trên cơ sở đó doanh nghiệp đăng ký hoặc thông báo cho nhà quản lý.
Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn