Nghị định 65/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân
Ngày 27/6/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN. Sau đây là một số nội dung sửa đổi bổ sung mới các doanh nghiệp, tổ chức chi trả thu nhập cần lưu ý như sau:
1- Sửa đổi điều kiện cá nhân cư trú để phù hợp hơn với Luật cư trú
Sửa đổi tiêu chí về thời gian thuê nhà để ở tại Việt Nam của cá nhân từ 90 ngày hiện hành lên thành 183 ngày, đồng thời quy định rõ trường hợp cá nhân có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế mà không chứng minh được là đối tượng cư trú của nước khác thì cá nhân đó sẽ phải là đối tượng cư trú tại Việt Nam cho mục đích tính thuế.
2- Quy định cụ thể chi tiết hơn các khoản thu nhập chịu thuế từ tiền lương tiền công (Điều 3)
– Bổ sung thêm vào thu nhập chịu thuế các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng là: Khoản tiền phí tích luỹ mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm không bắt buộc khác, tiền tích luỹ đóng góp quỹ hưu trí tự nguyện, do người sử dụng lao động mua hoặc đóng góp cho người lao động. Trước khi trả tiền bảo hiểm, tiền lương hưu cho cá nhân, doanh nghiệp bảo hiểm, công ty quản lý quỹ hưu trí tự nguyện có trách nhiệm khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% đối với khoản tiền phí tích luỹ, tiền tích lũy đóng góp quỹ tương ứng với phần người sử dụng lao động mua hoặc đóng góp cho người lao động từ ngày 01 tháng 7 năm 2013.
Tập hợp các quy định đã ban hành tại các văn bản trước đây để bổ sung các khoản thu nhập không tính vào thu nhập chịu thuế từ tiền lương tiền công, cụ thể như sau:
(i) Khoản hỗ trợ của người sử dụng lao động cho việc khám chữa bệnh hiểm nghèo cho bản thân người lao động và thân nhân (bố, mẹ, vợ/ chồng, con) của người lao động;
(ii) Khoản tiền nhận được theo chế độ liên quan đến sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức đảng, đoàn thể;
(iii) Khoản tiền nhận được theo chế độ nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật;
(iv) Các khoản nhận được ngoài tiền lương, tiền công do tham gia, phục vụ hoạt động đảng, đoàn, Quốc hội hoặc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước;
(v) Khoản tiền ăn giữa ca do người sử dụng lao động chi cho người lao động không vượt quá mức quy định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
(vi) Khoản tiền mua vé máy bay khứ hồi do người sử dụng lao động trả hộ (hoặc thanh toán) cho người lao động là người nước ngoài, người lao động là người Việt Nam làm việc ở nước ngoài về phép mỗi năm một lần;
(vii) Khoản tiền học phí cho con của người lao động nước ngoài học tại Việt Nam, con của người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài học tại nước ngoài theo bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông do người sử dụng lao động trả hộ.
3-Bổ sung quy định thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản bao gồm cả nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản (khoản 5.a,b)
Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản bao gồm cả khoản thu nhập từ việc uỷ quyền quản lý bất động sản mà người được uỷ quyền có quyền chuyển nhượng bất động sản hoặc có quyền như người sở hữu bất động sản theo quy định của pháp luật.
4- Quy định rõ cá nhân chuyển nhượng có duy nhất một nhà ở, quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam được miễn thuế TNCN phải đáp ứng các điều kiện sau(Khoản 2, Điều 4-Thu nhập được miễn thuế) :
a) Tại thời điểm chuyển nhượng, cá nhân chỉ có quyền sở hữu, quyền sử dụng một nhà ở hoặc một thửa đất ở (bao gồm cả trường hợp có nhà ở hoặc công trình xây dựng gắn liền với thửa đất đó);
b)Thời gian cá nhân có quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà ở, đất ở tính đến thời điểm chuyển nhượng tối thiểu là 183 ngày;
c) Nhà ở, quyền sử dụng đất ở được chuyển nhượng toàn bộ;
Việc xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà ở, đất ở căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà ở, đất ở. Cá nhân có nhà ở, đất ở chuyển nhượng có trách nhiệm kê khai và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của việc kê khai. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền phát hiện kê khai sai thì không được miễn thuế và bị xử lý theo quy định của pháp luật
5- Bổ sung thêm một số khoản đóng góp được trừ ra khỏi thu nhập tính thuế (Khoản 1.a, Điều 6-Thu nhập tính thuế từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công)
(i) Khoản đóng vào Quỹ hưu trí tự nguyện tối đa không quá một triệu đồng/tháng (12 triệu đồng/năm) theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;
(ii) Trường hợp cá nhân cư trú tại Việt Nam nhưng làm việc tại nước ngoài có thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công ở nước ngoài đã tham gia đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc theo quy định của quốc gia nơi cá nhân đóng các loại bảo hiểm này như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc thì được trừ các khoản phí bảo hiểm đó vào thu nhập chịu thuế khi xác định thu nhập tính thuế từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công.
6- Nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thânngười nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc mà người nộp thuế có nghĩa vụ nuôi dưỡng là 3,6 triệu đồng/tháng (Điều 12. Giảm trừ gia cảnh)
Xác định chi tiết hơn đối tượng phụ thuộc “con” bao gồm con đẻ, con nuôi hợp pháp, con riêng của vợ, con riêng của chồng, bổ sung thêm con từ 18 tuổi trở lên ngoài đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề thì đang học bậc học phổ thông mà không có thu nhập hoặc có thu nhập không vượt quá mức thu nhập quy định cũng được tính giảm trừ.
Nâng mức thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập làm căn cứ xác định người phụ thuộc được áp dụng giảm trừ không vượt quá 500.000 đồng lên 1.000.000 đồng.
7- Cấp mã số thuế cho người phụ thuộc được giảm trừ gia cảnh để nâng cao công tác quản lý thuế TNCN
Cá nhân có thu nhập chịu thuế thực hiện đăng ký thuế để được cơ quan thuế cấp mã số thuế cho bản thân và cho mỗi người phụ thuộc được giảm trừ gia cảnh.
8- Quy định rõ các đối tượng phải kê khai thuế theo tháng, quý, năm và từng lần phát sinh (Điều 30)
1. Khai thuế, nộp thuế theo tháng: Đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập có tổng số thuế thu nhập cá nhân đã khấu trừ hàng tháng theo từng loại tờ khai từ 50 triệu đồng trở lên (thay vì 5 triệu đồng như trước đây) thì áp dụng khai thuế, nộp thuế theo tháng.
2. Khai thuế, nộp thuế theo quý: Đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập có tổng số thuế thu nhập cá nhân đã khấu trừ hàng tháng theo từng loại tờ khai dưới 50 triệu đồng; Cá nhân, nhóm cá nhân kinh doanh; Thu nhập từ tiền lương, tiền công được trả từ nước ngoài hoặc do các tổ chức quốc tế, Đại sứ quán, Lãnh sự quán tại Việt Nam trả nhưng chưa thực hiện khấu trừ thuế thì áp dụng khai thuế, nộp thuế theo quý.
3. Khai thuế, nộp thuế theo từng lần phát sinh: Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; Thu nhập từ chuyển nhượng vốn của cá nhân cư trú; Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng; Thu nhập phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của cá nhân, nhóm cá nhân kinh doanh được cơ quan thuế cấp hoá đơn lẻ; Thu nhập phát sinh tại nước ngoài của cá nhân cư trú, trừ thu nhập từ tiền lương, tiền công; Thu nhập phát sinh tại Việt Nam nhưng nhận thu nhập tại nước ngoài của cá nhân không cư trú, trừ thu nhập từ tiền lương, tiền công áp dụng khai, nộp thuế theo từng lần phát sinh.
4. Khai thuế, nộp thuế theo năm. Cá nhân, nhóm cá nhân kinh doanh nộp thuế chưa thực hiện đúng pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ thì áp dụng khai thuế, nộp thuế theo năm.
9- Bổ sung quy định mới về khai QTT để giảm số lượng cá nhân phải trực tiếp quyết toán tại cơ quan thuế (khoản 5, khoản 6, Điều 30)cụ thể như sau:
5. Khai quyết toán thuế: Tổ chức, cá nhân trả thu nhập; cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh; cá nhân cư trú chuyển nhượng chứng khoán nộp thuế theo mức thuế suất 20% trên thu nhập có trách nhiệm khai quyết toán thuế năm, trừ các trường hợp sau:
a) Cá nhân có số thuế phải nộp nhỏ hơn số thuế đã tạm nộp hàng quý mà không có yêu cầu hoàn thuế hoặc bù trừ thuế vào kỳ sau;
b) Cá nhân, hộ kinh doanh chỉ có một nguồn thu nhập từ kinh doanh đã thực hiện nộp thuế theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định này;
c) Cá nhân, hộ gia đình chỉ có thu nhập từ việc cho thuê nhà, quyền sử dụng đất đã thực hiện nộp thuế theo kê khai tại nơi có nhà, quyền sử dụng đất cho thuê;
d) Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công phát sinh thường xuyên tại một đơn vị mà có thêm thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng đã được đơn vị chi trả khấu trừ thuế tại nguồn nếu không có nhu cầu thì không quyết toán thuế đối với phần thu nhập này;
đ) Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công còn có thêm thu nhập từ cho thuê nhà, cho thuê quyền sử dụng đất có doanh thu bình quân tháng trong năm không quá 20 triệu đồng đã nộp thuế tại nơi có nhà cho thuê, có quyền sử dụng đất cho thuê nếu không có nhu cầu thì không quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.
6. Cá nhân uỷ quyền cho đơn vị chi trả thu nhập quyết toán thuế thay trong trường hợp cá nhân chỉ có một nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công phát sinh tại một đơn vị hoặc ngoài nguồn tiền lương, tiền công phát sinh tại đơn vị, cá nhân còn có thêm thu nhập khác quy định tại Điểm d, Điểm đ Khoản 5 Điều này.
10. Quy định cụ thế về trách nhiệm khấu trừ, khai thuế, công bố thông tin của tổ chức trả thu nhập, tổ chức nơi cá nhân chuyển nhượng vốn, tổ chức lưu ký, phát hành chứng khoán, tổ chức Việt Nam ký hợp đồng mua dịch vụ của nhà thầu nước ngoài không hoạt động tại Việt Nam (Điều 31).
1. Tổ chức, cá nhân trả thu nhập có trách nhiệm khấu trừ thuế khi trả thu nhập cho cá nhân như sau:
a) Đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân có ký hợp đồng lao động: Hàng tháng tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập khấu trừ thuế của từng cá nhân căn cứ vào thu nhập tính thuế tháng và biểu thuế luỹ tiến từng phần; tạm tính giảm trừ gia cảnh theo bản khai của người nộp thuế để tính số thuế phải nộp trong tháng, thực hiện khấu trừ thuế và không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc khai tạm tính giảm trừ gia cảnh này. Tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện khai thuế, nộp thuế vào ngân sách nhà nước theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 30 Nghị định này và theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
b) Đối với các khoản tiền công, tiền chi khác cho cá nhân không ký hợp đồng lao động: Tổ chức, cá nhân trả thu nhập có trách nhiệm tạm khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% trên số thu nhập trả cho cá nhân. Cá nhân có thu nhập tạm khấu trừ thuế quy định tại Khoản này không phải khai thuế theo tháng.
Bộ Tài chính quy định mức thu nhập làm cơ sở khấu trừ thuế, tạm khấu trừ theo tỷ lệ quy định tại Điểm này.
2. Công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại nơi cá nhân lưu ký chứng khoán, tổ chức phát hành chứng khoán có trách nhiệm khấu trừ thuế đối với chuyển nhượng chứng khoán theo mức 0,1% trên giá bán chứng khoán từng lần, kể cả đối với trường hợp nộp thuế theo mức thuế suất 20% trên thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định này.
3. Doanh nghiệp nơi cá nhân có phần vốn góp được chuyển nhượng có trách nhiệm yêu cầu cá nhân cung cấp chứng từ đã hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với phần vốn đã chuyển nhượng trước khi làm thủ tục thay đổi danh sách thành viên góp vốn hoặc danh sách cổ đông. Trường hợp doanh nghiệp thực hiện thủ tục thay đổi danh sách thành viên góp vốn hoặc danh sách cổ đông trong trường hợp chuyển nhượng vốn mà không có chứng từ chứng minh cá nhân chuyển nhượng vốn đã hoàn thành nghĩa vụ thuế thì doanh nghiệp nơi cá nhân chuyển nhượng vốn chịu trách nhiệm nộp thuế thay cho các cá nhân này.
4. Tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam (sau đây gọi tắt là bên Việt Nam) có ký hợp đồng mua dịch vụ của nhà thầu nước ngoài mà nhà thầu đó có ký hợp đồng lao động với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì bên Việt Nam có trách nhiệm thông báo cho nhà thầu nước ngoài về nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân của người lao động nước ngoài và về trách nhiệm cung cấp các thông tin về người lao động nước ngoài, gồm: Danh sách, quốc tịch, số hộ chiếu, thời gian làm việc, công việc đảm nhận, thu nhập cho bên Việt Nam để bên Việt Nam cung cấp cho cơ quan thuế chậm nhất trước 7 ngày kể từ ngày cá nhân nước ngoài bắt đầu làm việc tại Việt Nam.
Trích nguồn : Cục thuế Vình Long