Luật Thuế XNK (sửa đổi): Thống nhất thẩm quyền ban hành biểu thuế
Bộ Tài chính hiện đang hoàn tất để chuẩn bị trình Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) (thuế XNK) tại kỳ họp thứ 10 tới đây. Cơ quan thẩm tra dự án Luật- Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) của Quốc hội đã nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành mức thuế suất tối thiểu cho từng phân nhóm mặt hàng thuộc danh mục nhóm mặt hàng chịu thuế xuất khẩu và giao thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ quy định như Dự thảo Luật.
Tạo sự ổn định cao hơn của Biểu thuế, phù hợp với xu hướng hội nhập
Về thẩm quyền ban hành Biểu thuế, tại Điều 12 của Luật thuế XNK hiện hành về thẩm quyền ban hành Biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành Biểu thuế xuất khẩu theo danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất đối với từng nhóm hàng, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất ưu đãi đối với từng nhóm hàng bao gồm cả mức tối thiểu và mức tối đa; Thủ tướng Chính phủ quyết định mặt hàng áp dụng thuế tuyệt đối và mức thuế tuyệt đối trong trường hợp cần thiết; Bộ trưởng Bộ Tài chính căn cứ vào khung thuế suất ưu đãi đối với từng nhóm hàng do UBTVQH ban hành để quy định áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với từng mặt hàng theo thủ tục do Chính phủ quy định.
Thực tế thời gian qua cho thấy thực hiện như quy định trên đã phát huy được tác dụng tích cực, tạo sự linh hoạt để kịp thời điều chỉnh thuế suất trước những biến động giá trên thế giới, góp phần bình ổn giá cả thị trường trong nước. Tuy nhiên, với thẩm quyền hiện hành về quy định mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là chưa thống nhất, chưa phù hợp: Thủ tướng Chính phủ quy định mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp (thực tế chỉ áp dụng đối với sản phẩm duy nhất là ô tô cũ đã qua sử dụng), Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành mức thuế suất thuế nhập khẩu còn lại.
Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước áp dụng các quy định khác nhau về thẩm quyền phê duyệt và ban hành Biểu thuế MFN và Biểu thuế FTA. Cụ thể: Thẩm quyền ban hành Biểu thuế ưu đãi (Biểu MFN): Biểu thuế MFN của các nước khá ổn định, ít thay đổi điều chỉnh. Một số nước ban hành Biểu MFN dựa trên nền cam kết trong WTO và giao cho Chính phủ hoặc cơ quan trực thuộc Chính phủ (cấp Bộ) ký quyết định điều chỉnh thuế suất và ban hành, Hoa Kỳ phải thông qua Quốc hội.
Thẩm quyền phê duyệt các Biểu thuế ưu đãi đặc biệt (Biểu FTA): Đối với các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan, Ma-lai-xi-a, Úc, Niu-zi-lân, Hoa Kỳ, Chi-lê, Phi-líp-pin, In-đô-ne-xi-a, Xin-ga-po, Mi-an-ma, Ấn Độ, EU, Quốc hội phê chuẩn Hiệp định FTA và Biểu thuế cam kết FTA để ký kết. Sau khi Quốc hội phê chuẩn, giao Bộ Tài chính hoặc cơ quan cấp Bộ ban hành Biểu thuế.
Để khắc phục hạn chế nói trên, tại Khoản 2, Điều 11 dự thảo Luật Thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu quy định: UBTVQH ban hành mức thuế suất tối thiểu cho từng phân nhóm hàng thuộc danh mục nhóm hàng chịu thuế xuất khẩu; Thủ tướng Chính phủ căn cứ vào nguyên tắc tại khoản 1 Điều này, mức thuế suất tối thiểu do UBTVHQ ban hành để quy định biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu đối với từng mặt hàng; quyết định áp dụng mặt hàng và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, đối với từng mặt hàng trong trường hợp cần thiết.
Theo cơ quan soạn thảo, quy định này sẽ tạo ra sự ổn định cao hơn của Biểu thuế và phù hợp với xu hướng Việt Nam tham gia sâu rộng vào các Hiệp định FTA khi lộ trình cắt giảm thuế quan đã được xác định và phải tuân thủ thực hiện theo đúng cam kết. Bên cạnh đó, đối với thuế xuất nhập khẩu, trên thực tế 90% kim ngạch xuất khẩu có mức thuế đã được cam kết (mức trần đối với hàng hóa nhập khẩu) tại các Hiệp định tự do hóa thương mại. Việc thực hiện cam kết này có lộ trình từ 3-5 năm, tùy Hiệp định. Đồng thời, trong quy định mức thuế xuất khẩu, nhập khẩu luôn có những ý kiến khác nhau giữa các Bộ, cơ quan liên quan, giữa các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác nhau. Do vậy, cần nâng mức thẩm quyền quyết định từ Bộ Tài chính lên mức độ do Thủ tướng Chính phủ quy định cho phù hợp với thực tế và yêu cầu quản lý, phù hợp xu hướng phát triển.
Thẩm tra về vấn đề này, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng, hiện nay Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với nền kinh tế quốc tế, các quy định về thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được thực hiện theo các Hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết, dự kiến trong vòng 10 năm tới mức độ tự do hóa thương mại sẽ đạt 97-98% dòng thuế.
Đồng thời, với danh mục hàng hóa XNK là rất lớn (trên 40 biểu thuế, với 10.400 dòng thuế) thì việc quy định ngay trong Luật về Danh mục và mức thuế suất là không khả thi. Do vậy, Ủy ban này nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành mức thuế suất tối thiểu cho từng phân nhóm mặt hàng thuộc danh mục nhóm mặt hàng chịu thuế xuất khẩu (chủ yếu là tài nguyên, khoáng sản) và giao thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ quy định như Dự thảo Luật.
Tuy nhiên, để bảo đảm về thẩm quyền của Quốc hội theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị cần làm rõ số dòng thuế còn lại về hàng hóa nhập khẩu mà Việt Nam chưa ký kết và thẩm quyền quyết định mức thuế suất trong biểu thuế do cơ quan nào quyết định. Đồng thời, cần bổ sung quy định về thẩm quyền của Quốc hội trong việc phê chuẩn các Hiệp định về thuế quan do Chính phủ đàm phán và ký kết.
Một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng, theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Quốc hội có thẩm quyền quyết định về các thứ thuế. Do vậy, cần quy định rõ trong Dự thảo luật Danh mục hàng hóa và biểu thuế suất của hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu mà Việt Nam chưa ký kết với các nước và tổ chức quốc tế. Đối với một số hàng hóa cần có sự điều chỉnh, thay đổi thường xuyên theo yêu cầu quản lý kinh tế trong thực tiễn, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Kiến nghị không quy định Khung thuế suất thuế nhập khẩu
Về khung thuế suất, tại Điều 12 Luật thuế XNK hiện hành quy định: Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Biểu thuế xuất khẩu theo danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất đối với từng nhóm hàng, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất ưu đãi đối với từng nhóm hàng, bao gồm cả mức tối thiểu và mức tối đa (gọi tắt là Biểu khung). Khung thuế suất này không áp dụng đối với các thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (FTA) theo các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.
Theo cơ quan soạn thảo, việc quy định mức khung thuế suất nhập khẩu như thời gian qua đã phát huy tác dụng tích cực và là căn cứ để Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành mức thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với từng mặt hàng. Qua đó, đã đáp ứng tính chủ động, kịp thời trước những biến động giá cả của thị trường thế giới, góp phần bình ổn giá cả thị trường trong nước và phù hợp với tính chất đặc thù của Biểu thuế nhập khẩu được chi tiết với gần 10 ngàn dòng thuế và phải sửa đổi, cập nhật Danh mục định kỳ 5 năm/lần theo quy định của Tổ chức Hải quan thế giới và Ban thư ký ASEAN.
Tuy nhiên, kể từ thời điểm Việt Nam gia nhập WTO (năm 2007), nước ta đã cam kết cho 100% số dòng thuế nhập khẩu tại thời điểm gia nhập và phải cắt giảm hàng năm theo lộ trình cam kết, đến nay lộ trình này cơ bản hoàn thành, do đó, việc quy định mức trần tối đa Biểu khung thuế suất thuế nhập khẩu như hiện hành thực tế không có ý nghĩa. Bên cạnh đó, việc xây dựng sàn thuế (tối thiểu) của Biểu khung thuế suất thuế nhập khẩu như hiện hành là cũng không cần thiết.
Cụ thể: hiện nay, Việt Nam đã ký 10 FTA với các nước, nhóm nước. Theo đó, đã cam kết xóa bỏ thuế quan vào thời điểm cuối cùng (2018 -2020) trung bình vào khoảng 90% số dòng thuế, riêng Hiệp định Thương mại Hàng hóa Asean (ATIGA) với mức cam kết tự do hóa đạt 97%. Khi ký kết các FTA thế hệ mới như TPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU… thì mức độ tự do hóa sẽ đạt 97-98% dòng thuế trong vòng 10 năm.
Dự kiến đến giai đoạn 2028-2030, trên 80% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất FTA là 0%. Theo đó, việc xây dựng Biểu khung thuế suất thuế nhập khẩu như hiện hành sẽ là không phù hợp trong giai đoạn mới. Do vậy, cơ quan soạn thảo kiến nghị Luật thuế XNK (sửa đổi) không quy định Khung thuế suất thuế nhập khẩu.
Về khung thuế xuất khẩu, nước ta đang trong quá trình đàm phán một số Hiệp định thương mại tự do FTA (như TPP, Việt Nam – EU), trong đó, có việc phải đưa ra các cam kết về xóa bỏ thuế xuất khẩu. Dự kiến ta sẽ đàm phán để tiếp tục được duy trì thuế xuất khẩu đối với một số nhóm hàng có số thu ngân sách như xăng dầu, than đá…
Theo đó, cần tiếp tục quy định mức thuế suất sàn đối với một số nhóm mặt hàng cần thu thuế xuất khẩu để góp phần bảo vệ tài nguyên trong nước, điều tiết hợp lý thu cho NSNN, đáp ứng yêu cầu đàm phán hội nhập trong thời gian tới cũng như trong giao thương kinh tế trên tinh thần đối xử có đi có lại.
Để khắc phục hạn chế trên, tại khoản 2 Điều 11 dự thảo Luật không quy định khung thuế suất thuế xuất khẩu, thay bằng quy định mức tối thiểu đối với một số nhóm hàng chịu thuế xuất khẩu (chủ yếu là tài nguyên, khoáng sản).
Nguồn từ Bộ Tài chính