Cập nhật chính sách mới về kế toán, kiểm toán

[VAC] Từ tháng 05/2017, nhiều chính sách mới trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán bắt đầu có hiệu lực thi hành.

1. Quy định mới về trích khấu hao tài sản cố định năm 2017

Từ ngày 26/5/2017, Thông tư 28/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến trích khấu hao tài sản cố định (TSCĐ) bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Theo đó, đối với các TS là nhà hỗn hợp vừa dùng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, vừa dùng để bán hoặc cho thuê thì doanh nghiệp phải xác định và hạch toán riêng phần giá trị của nhà hỗn hợp theo từng mục đích sử dụng, cụ thể như sau:

Đối với phần giá trị TS (diện tích) tòa nhà hỗn hợp dùng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và dùng để cho thuê (trừ trường hợp cho thuê tài chính): doanh nghiệp thực hiện ghi nhận giá trị của phần TS (diện tích) là TSCĐ, quản lý, sử dụng và trích khấu hao TSCĐ theo quy định.

Đối với phần giá trị TS (diện tích) trong tòa nhà hỗn hợp dùng để bán thì doanh nghiệp không được hạch toán là TSCĐ và không được trích khấu hao và theo dõi như một TS để bán.

Tiêu thức để xác định giá trị từng loại TS và phân bổ khấu hao TS đối với từng mục đích sử dụng được căn cứ vào tỷ trọng giá trị của từng phần diện tích theo từng mục đích sử dụng trên giá trị quyết toán công trình; hoặc căn cứ vào diện tích thực tế sử dụng theo từng mục đích sử dụng để hạch toán.

Đối với các doanh nghiệp có nhà hỗn hợp mà không xác định tách riêng được phần giá trị TS (diện tích) phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, vừa để bán, để cho thuê thì doanh nghiệp không hạch toán toàn bộ phần giá trị TS (diện tích) này là TSCĐ và không được trích khấu hao.

Đối với các TS được dùng chung liên quan đến công trình nhà hỗn hợp như sân chơi, đường đi, nhà để xe việc xác định giá trị của từng loại TS và giá trị khấu hao các TS dùng chung cũng được phân bổ theo tiêu thức để xác định giá trị từng loại TS và phân bổ khấu hao nhà hỗn hợp.

Những nội dung này được áp dụng từ năm tài chính 2016.

2. Quy định mới về căn cứ lập kế hoạch Kiểm toán năm

Từ ngày 05/5/2017, quy định lập, thẩm định và ban hành kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán nhà nước sẽ được thực hiện theo Quyết định 03/2017/QĐ-KTNN.

Theo đó, việc lập kế hoạch kiểm toán năm được căn cứ vào những yếu tố sau:

– Luật Kiểm toán nhà nước.

– Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước; Kế hoạch hành động từng giai đoạn của Kiểm toán nhà nước; Kế hoạch kiểm toán trung và dài hạn của Kiểm toán nhà nước.

– Các văn bản quản lý, điều hành kinh tế, xã hội, ngân sách nhà nước hàng năm, trung hạn, dài hạn của Trung ương và địa phương; thực tiễn quản lý, điều hành kinh tế, xã hội, NSNN trong năm và các thời kỳ trước, sau có liên quan.

– Yêu cầu thực tiễn và năng lực thực tế của Kiểm toán nhà nước.

– Các kế hoạch công tác của Kiểm toán nhà nước.

– Các văn bản chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; ý kiến tham gia của các cơ quan chức năng có liên quan.

Như vậy, Quyết định 03/2017/QĐ-KTNN quy định rõ ràng và cụ thể hơn Quyết định 08/2008/QĐ-KTNN ngày 19/12/2008.

3. Quy trình kiểm toán ngân sách trung ương

Từ ngày 15/5/2017, quy trình kiểm toán ngân sách trung ương (bộ, ngành) được ban hành kèm theo Quyết định 04/2017/QĐ-KTNN bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Theo đó, quy trình này quy định trình tự, nội dung, thủ tục tiến hành các bước công việc của cuộc kiểm toán ngân sách bộ, ngành bao gồm những bước sau:

– Chuẩn bị kiểm toán.

– Thực hiện kiểm toán.

– Lập và gửi báo cáo kiểm toán.

– Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Quyết định 04/2017/QĐ-KTNN sẽ thay thế Phụ lục 01 quy định về Quy trình kiểm toán ngân sách bộ ngành tại Quyết định 02/2013/QĐ-KTNN ngày 29/3/2013.

4. Quy trình kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia

Quy trình kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia được ban hành kèm theo Quyết định 05/2017/QĐ-KTNN sẽ có hiệu lực từ ngày 19/5/2017 và thay thế Quyết định 02/2012/QĐ-KTNN ngày 04/04/2012.

So với quy định hiện hành (tại Quyết định 02/2012) thì Quyết định 05/2017/QĐ-KTNN đề cập một cách kỹ lưỡng hơn về các phương pháp thu thập thông tin. Bao gồm 11 phương pháp chủ yếu sau:

– Cập nhật đánh giá của các lần kiểm toán trước.

– Trao đổi, phỏng vấn các nhà quản lý và nhân viên có liên quan của đơn vị.

– Kiểm tra, phân tích các báo cáo và tài liệu có liên quan.

– Quan sát trực tiếp một số khâu trong các hoạt động của đơn vị.

– Thử nghiệm một số khâu của quy trình kiểm soát nội bộ.

– Xem xét, đối chiếu các tài liệu quy định về quản lý, sử dụng các nguồn lực.

– Trao đổi, phỏng vấn các nhà quản lý và nhân viên có trách nhiệm của đơn vị.

– Nghiên cứu các tài liệu lưu trữ của Kiểm toán nhà nước liên quan đến đơn vị được kiểm toán.

– Trao đổi với các cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan quản lý nhà nước cấp trên trực tiếp.

– Khai thác thông tin có liên quan đến đơn vị được kiểm toán trên các phương tiện thông tin đại chúng.

– Khai thác thông tin liên quan theo yêu cầu kiểm toán những vấn đề có tính đặc thù khác.

Theo thuvienphapluat.vn