Năm 2016: Nên đầu tư vào đâu để có sinh lời?

Đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp, nếu có dưới 100 triệu đồng, nhà đầu tư có thể gửi tiền vào ngân hàng là an toàn nhất. Từ 100 triệu đồng – 1 tỷ đồng có thể đầu tư vào BĐS, chứng khoán…

Growing-Business

Đây là nhận định của ông Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính-ngân hàng trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN.

PV: Dưới góc nhìn của một chuyên gia, ông nhận định như thế nào về cơ hội từ các kênh đầu tư (KĐT) trong năm 2016?

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Hiện nay, chúng ta đang có các KĐT là bất động sản (BĐS), chứng khoán, vàng, ngoại hối và gửi tiền ngân hàng cho cả dân chúng và nhà đầu tư (NĐT) chuyên nghiệp.

Trong các KĐT đó, theo tôi, trong năm 2016, đối với các NĐT chuyên nghiệp thì BĐS và gửi tiền ngân hàng là hai KĐT có lợi nhuận ổn định và hấp dẫn nhất.

Cụ thể, đối với KĐT BĐS, năm 2016 thị trường BĐS được dự báo vẫn tiếp tục đà hồi phục của năm 2015, với những triển vọng lạc quan, do đó, đầu tư vào BĐS hứa hẹn sẽ mang lại lợi nhuận tốt.

Bên cạnh đó, những cởi mở về mặt chính sách đang hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của thị trường, như chính sách nới lỏng cho vay BĐS khi giảm hệ số rủi ro với các khoản khó đòi trong lĩnh vực này từ 250% xuống 150%; dòng tiền từ ngân hàng được “bơm” cho địa ốc tăng mạnh… đã thúc đẩy dòng vốn chảy vào lĩnh vực này.

Hay những sửa đổi trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS 2014… đang phát huy tác dụng, đưa lĩnh vực này phát triển sang một giai đoạn mới. Theo đó, tỷ suất sinh lời hiện nay khi đầu tư vào BĐS trung bình vào khoảng 5-7% cho các dự án tốt.

Đối với KĐT gửi tiền tiết kiệm, kênh gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn an toàn và hấp dẫn, bởi hiện mặt bằng lãi suất tiền gửi ở mức khoảng 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4 -7,2%/năm. Và nếu so với mục tiêu lạm phát năm nay ở mức không quá 5% và chính sách của Chính phủ là ưu tiên ổn định vĩ mô thì gửi tiền tiết kiệm vẫn được xem như KĐT “sáng giá”.

Đối với KĐT chứng khoán, năm 2015, tăng trưởng chứng khoán được thống kê chỉ ở mức 3-4%. Nếu xu thế hội nhập và hiệu ứng hội nhập mạnh mẽ hơn trong năm 2016, dòng vốn dịch chuyển ra khỏi các nước mới nổi có thể quay trở lại Việt Nam thì thị trường chứng khoán có thể hấp dẫn hơn, khá hơn một chút so với năm 2015. Tuy nhiên, KĐT này rất dễ ở vào thế chông chênh trước những biến động khó lường như Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất…

KĐT vàng hiện được xem là rủi ro bậc nhất, bởi dự báo năm 2016 giá vàng vẫn trong chu kỳ giảm giá, khi thị trường tiếp tục chịu tác động bởi lộ trình tăng lãi suất của FED… Do đó, KĐT vàng khó có thể có dư địa để lướt sóng, đầu tư, thậm chí người giữ vàng nên bán thì tốt hơn.

Kênh ngoại hối là KĐT “chết” hiện nay, hiện không ai đầu tư vào ngoại hối vì không những lãi suất tiền gửi USD về 0% mà thậm chí tới đây có thể sẽ còn mất phí khi gửi.

PV: Vậy theo ông, NĐT nên chọn KĐT như thế nào trong năm 2016?

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Trong đầu tư có 3 mục tiêu mà NĐT phải quan tâm là bảo toàn vốn, sinh lời và tính thanh khoản. Trên cơ sở thứ tự ưu tiên của mục tiêu đầu tư, NĐT sẽ lựa chọn được KĐT phù hợp tùy theo “khẩu vị”…

Theo tôi, đối với NĐT chuyên nghiệp, nếu có dưới 100 triệu đồng, NĐT có thể gửi tiền vào ngân hàng là an toàn nhất. Từ 100 triệu đồng – 1 tỷ đồng có thể đầu tư vào BĐS, chứng khoán. Từ 1 tỷ đồng trở lên không nên bỏ tất cả vốn vào một “giỏ” mà cần phân bổ dòng tiền, có thể như sau: 40% vào BĐS, 40% vào ngân hàng, 20% còn lại có thể đầu tư vào chứng khoán, vàng.

Điểm đặc biệt cần lưu ý, là dù đầu tư vào lĩnh vực nào thì trong đầu tư, vấn đề là phải biết và tìm hiểu sâu chứ không nên theo tâm lý đám đông, đầu tư theo phong trào; cũng cần nhận định, dự báo đầu ra của thị trường. Đầu tư phải biết chọn chi phí cơ hội nhưng tuỳ mức độ, cái nào rủi ro cao cần thận trọng, với NĐT cần cắt lỗ đúng lúc chốt lời đúng lúc.

PV: Thị trường BĐS trong năm 2015 có sự tăng trưởng rất mạnh mẽ. Điều này liệu có ẩn chứa những nguy cơ cho thị trường vào năm 2016 không, thưa ông?

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Thị trường BĐS hồi phục, tăng trưởng là tín hiệu tốt, nhưng nếu để thị trường phát triển quá nóng thì lại không tốt. Năm 2016, dự báo chưa xảy ra hiện tượng “bong bóng” BĐS như đã từng xảy ra ở những giai đoạn trước.

“Bong bóng” BĐS thể hiện khi giá BĐS tăng đột biến, tăng nhanh và tăng liên tục, toàn diện trên toàn thị trường. Tuy nhiên, hiện nay thị trường chưa ghi nhận điều đó.

Bên cạnh đó, một số yếu tố dẫn tới “bong bóng” BĐS cũng chưa hình thành. Chẳng hạn như, chính sách buông lỏng tín dụng thể hiện qua cho vay dưới chuẩn, dễ dãi, tràn lan chưa xuất hiện mà các ngân hàng vẫn cho vay rất cẩn trọng; người mua hiện là những người có nhu cầu thật để ở chứ không phải để găm giữ, đầu cơ; yếu tố đầu cơ đến mức lũng đoạn thị trường như giai đoạn trước đây không có, vì hiện tại sản phẩm BĐS rất dồi dào chứ không có hiện tượng khan hiếm,… Tuy nhiên, “bong bóng” BĐS chưa hình thành, chưa đáng lo nhưng không có nghĩa chúng ta không phải đề phòng.

PV: Vậy, ông có thể đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư BĐS trong năm 2016?

Ông Nguyễn Trí Hiếu: NĐT chuyên nghiệp cần lựa chọn một mục tiêu chiến lược để xác định loại BĐS “nhắm” đến đầu tư để đảm bảo đồng thời các tiêu chí như bảo toàn vốn, sinh lời, có tính thanh khoản cao.

Đặc biệt quan trọng, NĐT cần có sự tính toán trong việc lựa chọn vị trí dự án, tránh những dự án ở những vị trí hạ tầng xã hội chưa đồng bộ, giao thông không thuận lợi, an ninh, môi trường sống không đảm bảo,… Ngoài ra, NĐT cần nghiên cứu, khảo sát nhu cầu thật của khách hàng để đầu tư vào những phân khúc BĐS hợp lý.

Theo http://thoibaotaichinhvietnam.vn